Tình trạng khẩn trương Indira_Gandhi

Sau sự ủy nhiệm mạnh mẽ của cử tri trong năm 1971, chính phủ Gandhi đối diện với nhiều vấn nạn nghiêm trọng. Cấu trúc nội tại của Đảng Quốc Đại lung lay sau nhiều cuộc ly khai, khiến đảng hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng lãnh đạo của Gandhi để kiếm phiếu trong các kỳ bầu cử. Cuộc Cách mạng Xanh đã thay đổi cuộc sống của đông đảo người dân thuộc giai tầng thấp trong xã hội Ấn Độ, nhưng không đạt được tốc độ, cũng không được tiến hành theo cung cách như đã hứa. Con số việc làm đang gia tăng cũng không đủ để kìm chế nạn thất nghiệp theo sau sự trì trệ kinh tế toàn cầu gây ra bởi những biện pháp triệt để về dầu hỏa của OPEC.

Vốn đã bị cáo buộc là có khuynh hướng chuyên quyền, nay Gandhi sử dụng thế đa số tại quốc hội để tu chính Hiến pháp nhằm tước khỏi tay các tiểu bang một số quyền lực vốn dành cho họ trong hệ thống liên bang. Đã hai lần chính phủ trung ương áp đặt Quyền cai trị của Tổng thống chiếu theo Điều 356 của Hiến pháp tuyên bố các tiểu bang dưới quyền của đảng đối lập là "rối loạn và không luật pháp" để giành quyền kiểm soát tại những bang này. Các viên chức dân cử và các công sở bất bình trước ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Sanjay Gandhi, hiện là cố vấn chính trị thân cận cho Gandhi, thế chỗ của những người như P. N. Haksar, nhà chiến lược đã giúp Gandhi thăng tiến trong chính trường. Những nhân vật nổi tiếng từng là các chiến sĩ đấu tranh cho tự do của Ấn Độ như Jaya Prakash Narayan, Ram Manohar Lohia và Acharya Jivatram Kripalani đều du hành lên miền Bắc, tích cực đăng đàn chống chính phủ Gandhi.

Tháng 6 năm 1975, Tòa Thượng thẩm bang Allahabad buộc tội thủ tướng đương nhiệm đã sử dụng công chức cho chiến dịch bầu cử của bà và cho công tác của đảng Quốc Đại. Trên nguyên tắc, phán quyết này xem cuộc bầu cử là gian lận và tòa án ra lệnh trục xuất Gandhi khỏi Quốc hội cũng như cấm bà tranh cử trong vòng sáu năm.

Indira Gandhi và Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon, năm 1971

Gandhi kháng án; các đảng đối lập tổ chức những cuộc tụ tập đông đảo kêu gọi bà từ chức. Các nghiệp đoàn đình công và các cuộc tụ tập phản kháng làm tê liệt nhiều tiểu bang. Liên minh Janata của J.P. Narayan kêu gọi cảnh sát bất tuân thượng lệnh nếu bị buộc phải bắn vào đám đông không vũ trang. Sự thất vọng của công chúng gia tăng do kinh tế suy thoái và do thái độ thờ ơ của chính phủ. Một đám đông khổng lồ bao vây tòa nhà Quốc hội và tư dinh của Gandhi ở Dehli yêu cầu bà cư xử đúng mực và từ chức.

Thủ tướng Gandhi khuyên Tổng thống Fakhruddin Ali Ahmed công bố tình trạng khẩn trương, tuyên bố các cuộc đình công và tụ tập phản kháng là tạo ra tình trạng "hỗn loạn trong nước". Ahmed là đồng minh chính trị lâu đời, và ở Ấn Độ tổng thống thường hành động theo lời khuyên của thủ tướng. Ngày 26 tháng 6 năm 1975, tình trạng khẩn trương được ban hành chiếu theo Điều 352 của Hiến pháp.

Ngay cả khi quốc hội chưa kịp phê chuẩn Công bố Tình trạng Khẩn trương, Gandhi kêu gọi cảnh sát và quân đội phá vỡ các cuộc đình công và phản kháng, ra lệnh bắt giữ các thủ lĩnh đối lập ngay trong đêm. Nhiều người trong số họ từng ngồi tù thời thuộc địa Anh trong thập niên 19301940. Cảnh sát được giao quyền thiết lập giới nghiêm và giam giữ không hạn chế, trong khi các phương tiện truyền thông đại chúng bị kiểm duyệt trực tiếp bởi Bộ Thông tin và Phát thanh. Các cuộc bầu cử bị hoãn vô thời hạn, chính quyền những tiểu bang không ở dưới quyền kiểm soát của đảng Quốc Đại bị giải tán.

Thủ tướng thúc đẩy thông qua một loạt các dự luật và tu chính hiến pháp mà không có nhiều tranh luận. Đáng lưu ý là một nỗ lực tu chính hiến pháp không chỉ để bảo vệ thủ tướng lúc đương chức mà còn ngăn cản mọi sự truy tố thủ tướng sau khi rời nhiệm sở. Rõ ràng là Gandhi đang cố bảo vệ mình khỏi bị truy tố một khi tình trạng khẩn trương bị thu hồi.

Gandhi thúc đẩy Tổng thống Fakhruddin Ali Ahmed ban hành sắc luật mà không thông qua Quốc hội, cho phép bà – và Sanjay – cai trị bằng sắc lệnh. Inder Kumar Gujral, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thanh, từ chức để phản đối Sanjay đã can thiệp vào chức trách của ông.

Tình trạng Khẩn trương kéo dài 19 tháng. Trong giai đoạn này, bất kể những xung đột chính trị, đất nước trải qua những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực kinh tế và công nghiệp, chủ yếu là do chấm dứt được những cuộc đình công ở nhà máy, bãi khóa ở trường học và kìm chế các nghiệp đoàn và hiệp hội sinh viên. Đồng bộ với sự xuất hiện của các loại biểu ngữ ở khắp mọi nơi "Baatein kam, kaam zyada" (Nói ít Làm nhiều) là gia tăng sản xuất và cải cách hành chính. Nhiệt tâm của các viên chức chính phủ giúp kiềm chế nạn trốn thuế, mặc dù tình trạng tham nhũng vẫn tiếp tục tồn tại. Sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp gia tăng đáng kể nhờ chương trình hành động 20 điểm của Gandhi; lợi tức gia tăng và vị thế của nền tài chính quốc gia được nâng cao trong cộng đồng quốc tế. Như thế, giới trung lưu đô thị cảm thấy được đền bù cho những bất bình trong chính sự.

Cùng lúc là một chiến dịch mạnh tay được tiến hành nhằm loại trừ những người chống đối như giam cầm và tra tấn hàng ngàn nhà hoạt động chính trị; dẹp sạch những khu nhà ổ chuột ở vùng Jama Masjid thuộc Dehli theo lệnh của Sanjay, khiến hàng người thiệt mạng và hàng trăm ngàn người trở nên vô gia cư dẫn đến tình trạng các khu nhà ổ chuột phát triển tràn lan khắp thủ đô; chương trình kế hoạch hóa gia đình buộc hàng ngàn ông bố cắt ống dẫn tinh do điều hành tồi khiến công chúng phẫn nộ phản kháng lại mọi nỗ lực kế hoạch hóa gia đình mãi cho đến thế kỷ 21.

Năm 1977, do nhận định sai về uy tín của mình, Gandhi tổ chức bầu cử và thất bại thảm hại trước Đảng Janata. Đảng Janata đang đặt dưới quyền lãnh đạo của Desai, đối thủ lâu đời của Gandhi, và Narayan, nhà lãnh đạo tinh thần của đảng. Janata tuyên bố kỳ bầu cử là cơ hội sau cùng cho người dân Ấn chọn lựa giữa "dân chủ và chuyên quyền". Trái với mọi dự đoán, đặc biệt ở phương Tây, Gandhi khiêm nhường đồng ý rút lui.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Indira_Gandhi http://cantic.bnc.cat/registres/CUCId/a1115746x http://data.rero.ch/02-A003277797 http://www.bncatalogo.cl/F?func=direct&local_base=... http://www.merinews.com/catFull.jsp?articleID=1235... http://www.nytimes.com/learning/general/onthisday/... http://catalogo.bne.es/uhtbin/authoritybrowse.cgi?... http://katalog.nsk.hr/F/?func=direct&doc_number=00... http://uli.nli.org.il/F/?func=direct&doc_number=00... http://data.bibliotheken.nl/id/thes/p069307075 http://www.vepachedu.org/Nehrudynasty.html